top of page
  • Ảnh của tác giảNews KCN

Chợ Hồ Thị Kỷ dưới ánh đèn đêm: Khi những "NGƯỜI KHÔNG NGỦ" kể chuyện đời

Đã cập nhật: 18 thg 5


Dưới ánh đèn đêm lung linh, Chợ Hồ Thị Kỷ không chỉ là nơi tấp nập với những quầy hàng thức ăn vặt mà còn là thế giới đầy màu sắc của những loài hoa tươi. Nơi đây ẩn chứa những câu chuyện đời bình dị của những người lao động miệt mài, gắn bó cả cuộc đời với nghề bán hoa.

Hình 1 : Ánh đèn chợ Hồ Thị Kỷ nhìn từ ngoài vào


Cô Trương Thị Ngọc Lợi hay còn được gọi là “Má Tư” của khu chợ Hồ Thị Kỷ. 26 năm gắn bó với khu chợ Hồ Thị Kỷ, 26 năm rong ruổi cùng gánh hàng gỏi cuốn, người phụ nữ 54 tuổi tha phương cầu thực từ mảnh đất An Giang hiền hòa -  chưa bao giờ dễ dàng với những người con xa xứ.




  • Là một người có sự gắn bó với khu chợ Hồ Thị Kỷ từ khi mới lên thành phố Hồ Chí Minh. Cô có thể chia sẻ về những thăng trầm trong thời gian sinh sống tại khu chợ?

Từ quê nhà lên thành phố Hồ Chí Minh tấp nập, tôi mang theo gánh nặng gia đình và những ước mơ giản dị về một cuộc sống đủ đầy. Chợ Hồ Thị Kỷ trở thành mái nhà thứ hai của tôi, nơi tôi bám trụ với nghề bán gỏi cuốn để nuôi con trai ăn học.


Video giới thiệu về quán gỏi cuốn cô Lợi

Có thể nói, tôi là một trong những người bán hàng lâu năm nhất tại khu chợ Hồ Thị Kỷ này. Khi tôi mới bắt đầu bán gỏi cuốn, nơi đây chỉ nổi tiếng là một khu chợ hoa nhộn nhịp. Khách hàng của tôi khi ấy là những tiểu thương bán hoa trong chợ, đôi khi cũng có người dân sống quanh đây tạt ngang qua mua. Ký ức về những ngày tháng ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi, khung cảnh tấp nập người mua kẻ bán, những tiệm hoa rực rỡ sắc màu và hương thơm thoang thoảng trong gió.


Theo thời gian, khu chợ dần đổi thay, từ một khu chợ hoa đơn thuần, nó trở thành một khu phố ẩm thực sôi động, thu hút du khách từ khắp nơi đến thưởng thức những món ăn ngon. Từ những ngày tháng gian khó, buôn bán ế ẩm đến nay, khu chợ đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Sài Gòn và du khách. Nhìn khu chợ ngày càng được nhiều bạn trẻ lui tới, tôi cũng thấy mừng cho chợ và những bạn hàng của tôi.


26 năm gắn bó với khu chợ, tôi đã chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của nơi đây. Đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh năm 2019, cuộc sống của tôi, cũng như của bao tiểu thương khác tại khu chợ Hồ Thị Kỷ, bỗng chốc bị đảo lộn hoàn toàn. Những ngày tháng tấp nập, nhộn nhịp của khu chợ chợt im lìm, vắng hoe. Khó khăn chồng chất, bao trùm lên cuộc sống của mỗi người. Thu nhập chính của tôi phụ thuộc vào lượng khách đến chợ mỗi ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế ra ngoài, lượng khách đến chợ giảm sút nghiêm trọng, mọi người cũng thắt chặt chi tiêu, chủ yếu là tự mua nguyên liệu về nấu ăn. Gánh hàng gỏi cuốn của tôi cũng vì thế mà ế ẩm, ứ đọng. 


Sau khi đại dịch qua đi thì khu chợ này dần ổn định lại, nhưng đến hiện nay nó đã không còn dáng vẻ tấp nập như trước. Nhiều tiểu thương lâu năm ở đây đã phải tạm ngừng kinh doanh, thậm chí bỏ nghề vì không thể trụ vững trước những khó khăn.





  • Đối với sự thăng trầm đó thì cô có bao giờ có ý định đổi nghề không?


Nhiều lần lắm. Suốt gần 30 năm, không thể lúc nào mình cũng vững vàng tinh thần được. Nhất là cái nghề của mình nó nhiều khó khăn, vất vả. Cái nghề của mình cũng phụ thuộc vào nhiều thứ như nắng mưa, nguồn nguyên liệu, nhất là khách hàng tới lui chợ. Tôi nhiều lần muốn đưa cả gia đình về An Giang, sống cuộc sống chậm rãi ở quê, trồng rau ngoài vườn, nuôi cá dưới ao. Dù có khó khăn thiếu thốn hơn chút, nhưng đỡ áp lực hơn ở đây, vừa không có người thân, vừa áp lực trăm bề. Nhưng tôi nghĩ đến tương lai của con trai, nó được học một ngôi trường tốt, hưởng những điều kiện mà ở quê không mang lại được cho nó. Cứ nghĩ đến nó, tôi lại thấy mình có thể cố gắng thêm một chút, để nó được ăn học đàng hoàng, có một công việc làm ổn định tại Sài Gòn, chứ không phải làm công việc vất vả như mẹ nó chỉ vì không có con chữ bỏ túi. 




Hình 2 : Một gốc đẹp của chợ hoa

Gần ba năm nay, thông tin về việc ngôi chợ sẽ được di dời qua nơi khác khiến nhiều tiểu thương ở chợ cứ râm ran bàn tán với nhau. Có người thì bảo tới đâu hay tới đó, còn có người thì cứ khắc khoải vì sợ chợ sẽ dời đi thiệt. Thời hiện đại, cứ nhắc đến khu chợ được hình thành cách đây hơn ba thập niên - chợ Hồ Thị Kỷ thì giới trẻ chỉ nghĩ về mùi hương của thịt nướng, xiên que,.. nhưng rất ít người nhớ rằng chợ Hồ Thị Kỷ là chợ hoa. Con đường bán thức ăn lúc nào cũng đông kín khách. Nhưng mấy ai tinh tế mà nhận ra rằng, trong cùng một khu chợ, nhưng những sạp bán hoa tươi lại chỉ có một vài người qua lại.


Hình 3 : Những góc đẹp từ tiệm hoa của chú Chính


Chú Chính, với mái tóc điểm bạc và đôi mắt hiền từ, là một trong những người đã gắn bó với sạp hoa nhỏ của mình hơn 30 năm, chứng kiến bao thăng trầm của khu chợ. Trong tiếng nhạc cải lương vang vọng từ chiếc điện thoại cũ, chú lặng lẽ ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc dưới ánh đèn, chú Chính lặng thinh, không nói lời nào, dường như trong lòng chú mang rất nhiều tâm sự không thể nói ra.


Hình 4 : Chú Chính luôn vui vẻ ngôi bên tiệm hoa của mình

  • Về quãng thời gian trước khi bán hoa cuộc sống của chú Chính như thế nào? Chú có thể chia sẻ hành trình trước khi đến với nghề bán hoa này không?


Trước khi đến với nghề bán hoa tôi vốn là một người bán vé số. Cuộc sống lúc nhỏ của tôi cũng khá chênh vênh và tôi mưu sinh với nghề bán vé số một mình. Một mình bươn chải, lăn lộn với cuộc sống và không có nơi để về. Tôi lang thang nhiều ngày trên khắp các ngõ ngách thành phố chỉ để mưu sinh kiếm sống.


Hôm nọ trời mưa, tôi lang thang ở khu chợ Hồ Thị Kỷ vội tìm một mái hiên để tạm trú mưa. Đi ngang qua những sạp hoa tươi, tự dưng cảm thấy đâu đó trong mình có một tình yêu mãnh liệt với những bông hoa đầy màu sắc ấy. Tôi thấy hoa là trong lòng cứ rộn ràng, từ đó muốn gắn bó với nó nên tôi xin vào làm tại một sạp hoa trong chợ. 


Sau hơn 30 năm kể từ khi tôi chính thức “theo đuổi” những bông hoa. Mỗi ngày, cứ 5h30 sáng tôi lại dậy để chuẩn bị cho sạp hoa của mình. Đối với tôi, thời gian mà tôi cảm thấy chữa lành đó là thời gian mình tỉ mỉ ngồi tỉa cành, cắt lá , sắp xếp những bông hoa sao cho đẹp mắt nhất. Bán hoa không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê, là lẽ sống. Tôi yêu hoa, yêu cái đẹp, và muốn mang đến cho mọi người những bó hoa tươi thắm nhất. Gắn bó đã lâu, tôi đã dần xem những bông hoa là đứa con tinh thần của mình. Ngắm nhìn những bông hoa khiến tôi cảm thấy yêu đời và muốn gắn bó với nghề hoa này thật lâu. Tôi nguyện dành cả cuộc đời mình để chăm sóc những bông hoa, gieo trồng hy vọng và niềm vui cho mọi người. 


  • Nghề bán hoa dần trở nên khó khăn. Làm thế nào để chú vượt qua những khó khăn và thử thách khi bán hoa ở khu chợ Hồ Thị Kỷ?



Cuộc sống bán hoa tươi không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có những ngày mưa dầm dề, những cơn bão bất ngờ cuốn trôi đi những thành quả mà tôi đã vun đắp, tất cả đều là thử thách mà những người bán hoa tươi phải đối mặt. Những lúc như vậy, tôi luôn nói với bản thân và mọi người xung quanh rằng “Cuộc sống có lúc thăng trầm, nhưng mình phải luôn vững tin và kiên trì. Hoa có thể tàn, nhưng lòng người trồng hoa phải luôn tươi”.


Tuy nhiên, khu chợ hoa ngày nay đã không còn nhộn nhịp như xưa. Sau “cơn lốc xoáy” đại dịch Covid-19, lượng khách đến mua hoa giảm sút đáng kể, khiến cuộc sống của những người bán hoa như tôi dần trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nghề bán hoa thì có bữa lên, bữa xuống. Nhưng dù rằng việc bán hoa có khó khăn, trắc trở thế nào thì những người bán hoa vẫn nguyện cống hiến cả khoảng đời của mình để dành mãi cho những bông hoa.


  • Kỷ niệm nào khiến chú cảm thấy hạnh phúc và nhớ nhất trong công việc bán hoa? Ý nghĩa của việc sống lạc quan và yêu đời đối với chú như thế nào?


Có lần, một bà cụ đến sạp của tôi mua một bó hoa hồng về tặng cháu gái trong ngày lễ tốt nghiệp. Thấy vậy, tôi gói một bó hoa thật đẹp, thật to đi kèm là một lời chúc tốt đẹp và một chiếc thư viết tay xinh xắn. Bà cụ đã xúc động rơi nước mắt và cảm ơn tôi thật nhiều. Tôi muốn mang những hành động nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy để làm cho gian hàng hoa của mình trở thành nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của nhiều người.


Tôi cảm thấy rất vui vì mọi người đến sạp của chú mua hoa làm quà tặng mẹ, tặng người thương, tặng cô dâu ngày cưới,...Và tôi đã tìm thấy niềm vui riêng của mình qua việc mang đến cho mọi người một bó hoa cũng như một món quà tươi thắm, mang đậm ý nghĩa. Hạnh phúc lớn nhất của tôi đó là nhìn thấy những bó hoa tươi thắm của mình có thể giúp mọi người thêm gắn kết và yêu thương nhau nhiều hơn. Nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc của khách hàng khi cầm trên tay bó hoa tươi thắm, tôi cảm thấy mọi mệt nhọc đều tan biến. Tôi mong những bông hoa của mình không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà mà còn sưởi ấm cả những tâm hồn.  Những lúc như thế, tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng và yêu cái nghề bán hoa tươi này nhiều hơn nữa. 


Khi chợ bắt đầu vắng khách, tôi sắp xếp lại gian hàng, gom những bông hoa còn lại để bảo quản cho ngày mai. Ngày nào còn hoa tươi, tôi lại mang về tặng cho những người hàng xóm, những cụ già neo đơn. Tôi tin rằng, hoa tươi không chỉ làm đẹp cho cuộc sống mà còn mang lại niềm vui, hy vọng cho mọi người.


Nghề bán hoa đã dạy cho tôi nhiều điều quý giá. Đó là sự kiên nhẫn, tình yêu thương và lòng biết ơn. Có lẽ, cuộc sống bán hoa của tôi không rực rỡ như những cánh hoa kiêu sa trong các sạp hoa sang trọng, nhưng tôi sẽ biến nó giản dị và đẹp đẽ theo một cách riêng. Tôi nhìn thấy cuộc đời mình hệt như một bài ca, vẫn tiếp tục vang lên giữa những bông hoa tươi thắm, lặng lẽ mà bền bỉ, như những mùa hoa cứ tuần tự nở rồi lại tàn, nhưng mỗi lần nở là mỗi lần rực rỡ hơn.


Câu chuyện về những người “không ngủ” chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh muôn màu muôn vẻ của chợ Hồ Thị Kỷ. Nơi đây còn lưu giữ biết bao câu chuyện khác về những con người bình dị, với những đam mê và ước mơ riêng, góp phần tạo nên sức sống cho khu chợ và thành phố Sài Gòn. Mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời là một mảnh ghép nhỏ, tạo nên bức tranh thị trường đầy ắp tình người. Nơi đây không chỉ là nơi để thưởng thức những món ăn ngon mà còn là nơi để du khách hòa mình vào nhịp sống sôi động của Sài Gòn, để cảm nhận được sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương và trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.




KCN News

Địa chỉ:  69/68 Đ. Đặng Thuỳ Trâm, Phường 13, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 0123.456.789 - Email: kcnofficial.group@gmail.com

Phòng Quảng Cáo KCN News: 0987.654.321




94 lượt xem0 bình luận

Comentarios


bottom of page